Nữ bác sĩ lấy da tay làm "lưỡi mới" cho bệnh nhân ung thư

14:33, 13/05/2019

Sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u ác tính ở lưỡi (phải cắt khoảng 1/2 lưỡi), bệnh nhân được nữ bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung (bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội) lấy vạt da ở tay để tạo hình thành một chiếc lưỡi mới với đầy đủ chức năng nói, nuốt...

Sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u ác tính ở lưỡi (phải cắt khoảng 1/2 lưỡi), bệnh nhân được nữ bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung (bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội) lấy vạt da ở tay để tạo hình thành một chiếc lưỡi mới với đầy đủ chức năng nói, nuốt...
 

Thông thường, bệnh nhân ung thư lưỡi sẽ được chỉ định cắt bỏ khối u (thường là cắt bỏ 1/2, thậm chí là cắt bỏ hoàn toàn lưỡi cùng vùng sàn miệng phía dưới lưỡi), sau đó xạ trị. Bệnh nhân được cứu sống nhưng sinh hoạt rất khó khăn, không nói được, nuốt khó, nguy cơ hoại tử các phần xương hàm rất cao. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung ở Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội không chấp nhận ở mức đó. Chị mong muốn người bệnh không chỉ được cứu sống, mà phải cố gắng để sống được như một “con người”!

23 tuổi, Loan (đã đổi tên) ở Nam Định được chẩn đoán mắc ung thư lưỡi, một căn bệnh mà cô chưa từng nghe tới.

Chỉ với dấu hiệu ban đầu là nhiệt lưỡi lâu ngày, đi khám chữa ở một số cơ sở y tế nhưng không khỏi, Loan đã được các bác sĩ ở Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương khám và kết luận là bị ung thư lưỡi. Thông báo của bác sĩ như tiếng sét ngang tai, nhưng Loan còn sốc hơn khi các bác sĩ cho biết, cô sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ lưỡi.

Cô gái 23 tuổi, chưa có gia đình, tưởng như tương lai phía trước đã hoàn toàn khép lại. Ý muốn từ bỏ điều trị, để mặc cho số phận xâm chiếm lấy cô. Nhưng, số phận đã run rủi cho Loan gặp được bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung - bác sĩ chuyên thực hiện các ca vi phẫu tại khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội).

“Lúc đầu em ấy đau khổ, tuyệt vọng lắm. Tôi đã phải dành nhiều thời gian để tâm sự, giải thích, thuyết phục để Loan hiểu, “nếu em từ bỏ điều trị là em chấp nhận số phận, chấp nhận cái chết, nhưng nếu em tin tưởng chúng tôi, em sẽ cùng các bác sĩ chiến đấu để giành lại sự sống.”

Thế rồi, Loan đồng ý “chiến đấu” và cô đã phải trải qua ca phẫu thuật lớn. Bác sĩ Nhung cùng các đồng nghiệp đã tiến hành phẫu thuật cắt dọc môi dưới và xẻ đôi xương hàm dưới, mở rộng khoang miệng tối đa để cắt bỏ một nửa lưỡi, sàn miệng cùng với khối u, để đảm bảo hết u và tới ranh giới tổ chức lành. Trước đó các bác sĩ đã tiến hành nạo vét hạch cổ và hạch dưới bờ hàm để tránh di căn hạch sang các bộ phận khác.

Cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lưỡi luôn để lại di chứng nặng nề, khiến bệnh nhân không còn cơ hội nói, nuốt cũng trở nên khó khăn. Đây chính là điều mà các bệnh nhân mắc ung thư lưỡi rất ám ảnh.

Sau khi mổ
Nhìn chiếc cằm này, không ai nghĩ đây là khuôn mặt của cô gái bị ung thư lưỡi đã được các bác sĩ xẻ đôi cả môi, hàm để cắt bỏ khối u, nạo vét hạch và làm một chiếc lưỡi mới

 

Thông thường ở các cơ sở không ứng dụng kỹ thuật vi phẫu, các bác sĩ chỉ dám cắt 1 phần khối u, sau đó tiến hành xạ trị và hóa chất với nhiều tác động phụ rất nặng nề cho bệnh nhân, như hoại tử xương hàm… khiến sau đó sẽ phải phẫu thuật lấy xương chết mà không có khả năng bù lại. Việc bệnh nhân sẽ sống như thế nào sau các ca phẫu thuật hoặc xạ trị, đáng tiếc, chưa thật sự được quan tâm đúng mức.

Tại Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương, Loan, cũng như nhiều bệnh nhân khác đã được các bác sĩ tạo hình một lưỡi mới, từ chính bộ phận trên cơ thể của mình, đó là phần da mỡ cánh tay. Đây cũng chính là đề tài đang được bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung thực hiện cho việc bảo vệ luận án tiến sĩ của mình.

Chia sẻ về kỹ thuật tạo hình lưỡi bằng vạt da mỡ cánh tay này, bác sĩ Nhung cho biết, đây là một kỹ thuật rất khó, bởi cấu trúc da ở lưỡi khác hẳn với các bộ phận khác trên cơ thể.

Lúc mới làm xong, vạt da còn cứng, phù nề nhiều làm phần lưỡi còn lại không di chuyển được. Tuy nhiên, qua thời gian, chiếc lưỡi mới này dần dần ổn định, trở nên mềm mại, vận động theo phần lưỡi còn lại và phần da tạo lưỡi trở nên hồng hào gần như niêm mạc miệng giúp bệnh nhân có thể nói được dù hơi ngọng, và việc nuốt thức ăn cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Bệnh nhân Loan mới đây khám lại sau 3 năm phẫu thuật mà không cần phải xạ trị, bệnh không tái phát, hình thức bên ngoài chỉ là một vết sẹo nhỏ nằm giữa cằm như một người có chiếc cằm xẻ. Nhìn Loan, không ai có thể nghĩ cô đã từng bị ung thư lưỡi và đã phải cắt bỏ ½ lưỡi.

 

Bác sĩ Nhung cho biết, với những bệnh nhân bị cắt bỏ hoàn toàn lưỡi, các bác sĩ cũng có thể lấy những vạt da mỡ cánh tay để che phủ và tạo hình một phần lưỡi, giúp cho bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống tốt hơn rất nhiều.

Chia sẻ về công việc vi phẫu, tạo hình cho bệnh nhân ung thư vùng hàm mặt nói chung và ung thư lưỡi nói riêng sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u, bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung cho biết, chị đã trực tiếp tham gia làm cho rất nhiều bệnh nhân, và với những kinh nghiệm đã thu được qua nhiều năm thực hiện, chị đang thu thập số liệu để hoàn thành luận án tiến sĩ về đề tài này. Số bệnh nhân được chị đưa vào luận án là khoảng 40 người.

Một điểm đặc biệt mà bác sĩ Nhung thực hiện cho bệnh nhân của mình, đó là thay vì dùng phần vạt da ở cẳng tay như một số nước vẫn làm, chị đã dùng phần da ở bắp tay phía gần bả vai.

“Sự khác biệt là ở chỗ, nếu lấy da ở cẳng tay sẽ để lại sẹo rất lớn, co rút khiến không chỉ xấu về hình thức mà còn làm cho bệnh nhân khó khăn trong sinh hoạt. Còn cách lấy ở bắp tay phía trên sẽ không làm ảnh hưởng gì đến hoạt động của cánh tay, sẹo cũng để lại chỉ là một đường thẳng, không bị dúm dó, mất thẩm mỹ.” – bác sĩ Nhung cho biết.

Sau khi phẫu thuật, phần cánh tay chỉ bị một vết sẹo chạy dài.
Sau khi phẫu thuật, phần cánh tay chỉ bị một vết sẹo chạy dài.

Suy nghĩ, tìm tòi của bác sĩ Nhung trong việc thực hiện các ca phẫu thuật tạo hình lưỡi luôn thể hiện tấm lòng, sự trăn trở của một bác sĩ vì người bệnh.

“Những bệnh nhân ung thư rất đáng thương. Nhiều người nghĩ rằng, các bác sĩ phải vất vả để điều trị cho họ, nhưng tôi nghĩ, cái vất vả của bác sĩ không thể so sánh được với những nỗi đau đớn, vất vả của bệnh nhân.” – nữ bác sĩ chia sẻ.

Chị cũng quan niệm rằng, giành lại sự sống cho bệnh nhân là rất quan trọng, nhưng quan trọng không kém chính là cứu sống người bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống của họ.

“Dù là bệnh nhân ung thư, họ vẫn phải được sống như những con người, và việc của các bác sĩ như chúng tôi là làm sao để họ có được cuộc sống gần với cuộc sống bình thường nhất.” – nữ bác sĩ chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung (trái) trong một ca vi phẫu cho bệnh nhân ung thư lưới
Bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung (trái) trong một ca vi phẫu cho bệnh nhân ung thư lưỡi

Cẩn trọng với các vết loét lưỡi sau 2 tuần không lành

Theo bác sĩ Nhung, ung thư lưỡi không có triệu chứng điển hình để nhận biết. Đa số trường hợp phát hiện bệnh sau những vết loét lâu liền, kéo dài ở lưỡi. Một số người thấy rối loạn cảm giác, vết thương lớn loét sâu, bệnh lúc này đã ở giai đoạn muộn. Bệnh nhân ung thư lưỡi nói riêng, ung thư vùng hàm mặt nói chung, bị tế bào ung thư phá hoại tổ chức, gây hoại tử nên rất đau, biến dạng vùng mặt, đồng thời có mùi hôi thối.

Nói về nguyên nhân gây ung thư lưỡi, nữ bác sĩ cho hay,dù chưa có một nghiên cứu chính thức nào, nhưng từ những bệnh mà chị điều trị, có thể thấy phần lớn có lý do từ tập quán ăn uống.

“Người dân cần chú ý các vết nhiệt miệng lâu khỏi. Chỉ cần kéo dài 2 tuần trở lên, bạn tuyệt đối không chủ quan, bởi lúc này, khối u thường đã phát triển. Nếu đi khám sớm để phát hiện, người bệnh hoàn toàn có cơ hội cao chiến thắng bệnh tật", bác sĩ Nhung khuyên.

Theo VnMedia