Quái bệnh khiến người mắc muốn cắt lìa cơ thể

10:44, 16/11/2016

Người mắc hội chứng này luôn cảm thấy cơ thể có một bộ phận nào đó thừa, khó chịu. Ám ảnh đó thôi thúc họ "được" trở thành người tàn phế.

Người mắc hội chứng này luôn cảm thấy cơ thể có một bộ phận nào đó thừa, khó chịu. Ám ảnh đó thôi thúc họ "được" trở thành người tàn phế.

Trong những ngày vừa qua, sự việc một nhân viên y tế ở Cần Thơ tự cắt lìa chân trái, sau đó cất trong ngăn tủ khiến dư luận đặt ra nhiều đồn đoán. Theo thông tin mới nhất từ cơ quan chức năng, nam nhân viên y tế này mắc chứng rối loạn nhận dạng toàn diện cơ thể.

Người này thừa nhận bản thân mình từ nhỏ đã mang chứng bệnh này, nhưng luôn giấu gia đình, kể cả khi đã lấy vợ, sinh con.

Quai benh khien nguoi mac muon cat lia co the hinh anh 1

Hội chứng BIID là một trong những chứng bệnh khó hiểu đang được ngành tâm thần nghiên cứu hiện nay. Ảnh: Ben Shannon/CBC.

PGS.TS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần - Bệnh viện 103 (Hà Nội), cho hay rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể có tên khoa học là "Body Integrity Identity Disorder", được viết tắt là hội chứng BIID. Đây là một quái bệnh. Gần nhất, tháng 5/2013, Hội Tâm thần Mỹ đã bổ sung chứng bệnh tâm thần này trong y văn.

Những bệnh nhân BIID luôn bị ám ảnh bởi khao khát được phá hủy một phần thân thể. Họ cho rằng bộ phần nào đó của mình là thừa và khó chịu, chỉ khi hủy hoại bộ phận đó họ mới cảm thấy được sống thực sự.

Đặc biệt, người mắc BIID luôn che giấu căn bệnh quái ác nên gia đình và xã hội không thể phát hiện cho đến khi sự việc đau lòng xảy ra.

Bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương, cũng cho biết rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể là một căn bệnh khủng khiếp trong y học.

Chuyên gia thông tin những bệnh nhân mắc chứng rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể luôn khao khát “được” tàn phế, dù tinh thần và cơ thể rất bình thường. Họ cảm thấy lạ lẫm và ghê tởm với một phần cơ thể của mình. Thậm chí, họ có thể khoanh đúng ranh giới của phần cơ thể muốn bỏ đi.

Về nguyên nhân gây ra căn bệnh quái dị này, PGS Đức lý giải do trong não của những người mắc chứng bệnh này bị thiếu mất một phần nào đó khiến bộ phận bệnh nhân cảm thấy thừa thãi không được định vị đúng trên vùng não tương ứng.

Do đó, khi được bỏ bộ phận đó ra khỏi cơ thể, người bệnh mới cảm thấy dễ chịu hơn.

Cũng theo PGS Đức, ngoài chứng bệnh trên, trong ngành tâm thần còn ghi nhận chứng giải thể nhân cách - một trong các rối loạn tâm lý, giác quan với các biểu hiện tương tự.

Giải thể nhân cách là rối loạn sơ đồ cơ thể. Trong đó, bệnh nhân tri giác sai về vị trí cơ thể mình, như tay dài ra, mũi ở gáy, không có tim, cơ thể nhẹ như bông...

“Những người bị rối loạn sơ đồ cơ thể luôn nhận thức cơ thể mình một cách lệch lạc, và cho rằng như thế là không đúng, cần phải sửa chữa. Điển hình, họ nghĩ chân mình dài quá, cần phải cắt bớt”, PGS Đức cho hay.

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của rối loạn sơ đồ cơ thể có thể là do rối loạn tâm thần phân liệt, rối loạn nhân cách, nhiễm độc chất hoặc do tổn thương thực thể não.

Bệnh mắc chứng rối loạn sơ đồ cơ thể thường không dẫn đến những hành vi tự hủy hoại cơ thể nguy hiểm như hội chứng BIID. 

Trước đó, thông tin từ Khoa Ngoại chấn thương của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho hay một nhân viên y tế tên Khoa (27 tuổi, kỹ thuật viên Đông y, công tác tại Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng, TP Cần Thơ) nhập viện vào tối 10/11 trong tình trạng chân trái đứt lìa ngang gối, đã được sơ cứu cầm máu, bệnh nhân tỉnh.

Các bác sĩ trực ghi nhận tình trạng chân của Khoa có khả năng nối lại, nên trao đổi với bệnh nhân cùng người nhà để tiến hành phẫu thuật. Khoa từ chối nối chân, bệnh viện đã khâu lại mỏm cụt và không nối chi.

Khai với cơ quan chức năng, Khoa cho biết bản thân tự dùng dụng cụ tháo khớp chân trái từ đầu gối xuống bàn chân. Nhân viên y tế khẳn định thực hiện hành động này một mình và không có bất kỳ ai hỗ trợ hay tham gia.

Theo Tri Thức Trực Tuyến