Năm 2007, nhà sản xuất, nhà làm phim Sean McKittrick đã cùng đạo diễn Richard Kelly cho ra đời siêu phẩm viễn tưởng, kinh dị giật gân đình đám “Donnie Darko”. Có thể không quen thuộc với nhiều khán giả Việt Nam nhưng phim nhận đánh giá 100% trên chuyên trang Rotten Tomatoes, 8/10 trên trang đánh giá IMDB và 88 điểm trên Metacritic.
Năm 2017, tác phẩm kinh dị “Get Out” (tựa Việt: Trốn Thoát) do Sean McKittrick kết hợp cùng Jason Blum, Edward H. Hamm Jr. và đạo diễn Jordan Peele cùng sản xuất đã tạo nên cơn sốt tại phòng vé và trên các mặt trận giải thưởng điện ảnh, đồng thời đánh dấu bước chuyển mình “lịch sử” của dòng phim kinh dị giật gân với nhiều tầng nghĩa và tính châm biếm sâu sắc.
Đến năm 2018, Sean McKittrick lại tiếp tục “mát tay” cùng đạo diễn Spike Lee mang tới bộ phim hài đen đề tài sắc tộc “BlacKkKlansman” vô cùng ấn tượng với sự tham gia của Adam Drivers và nam chính “Tenet” John David Washington, nhận 6 đề cử Oscar, bao gồm hạng mục quan trọng Phim xuất sắc nhất.
Năm 2019, nhà sản xuất Sean McKittrick một lần nữa hợp tác cùng Jordan Peele và cho ra đời siêu phẩm kinh dị “Us” (tựa Việt: Chúng Ta) ấn tượng và cũng gây tiếng vang không kém gì những tác phẩm trước đó. Trong lần tái xuất năm 2020 này, nhà sản xuất Sean McKittrick tiếp tục tham gia thực hiện bộ phim kinh dị giật gân Antebellum - tựa Việt: Antebellum: Bẫy Thực Tại Kinh Hoàng, đóng góp tiếng nói về những mảng màu sáng tối đang diễn ra ngay trong thực tại xã hội của chính mình.
Ý tưởng quen thuộc nhưng được khai thác mới lạ, hấp dẫn
Phim xoay quanh nữ nhà văn, diễn giả nổi tiếng và vô cùng thành công Veronica Henley. Veronica bị một thế lực bí ẩn kéo về miền Nam nước Mỹ trong kỷ nguyên Antebellum - thời kỳ tiền nội chiến kinh hoàng của quá khứ. Khi đó, miền Nam phát triển kinh tế đồn điền, phần lớn là trồng bông dựa trên sự bóc lột nô lệ da màu. Nhân vật buộc phải tìm mọi cách để sống sót, tranh đấu vì những thân phận đang bị dày vò giống mình và tìm cách trở về cuộc sống hiện tại.
“Xuyên không” không còn là đề tài mới lạ với những người yêu phim, nhưng điều làm nên đặc sắc của Antebellum nằm ở chỗ một nhân vật vốn phải vượt qua những định kiến sắc tộc ở thời đại của mình bị “xuyên không” trở về quá khứ và sống với thân phận nô lệ. Để rồi một lần nữa cô phải tranh đấu với những thế lực còn tàn bạo, khủng khiếp hơn bất cứ những gì mình từng trải qua.
Cái kết bất ngờ
Xuyên suốt bộ phim, khán giả sẽ được theo dõi song song cuộc sống của nhân vật chính ở thế kỷ 21 và sau khi cô bị kéo về quá khứ. Cho dù ở cuộc sống hiện tại, những mảng tối của xã hội kia vẫn đang bủa vây lấy cô, lựa chọn để trừng phạt cô dưới thân phận một nô lệ dưới thời kỳ những năm 50 của quá khứ.
Đến tận kết thúc bất ngờ của bộ phim, khán giả mới thực sự thấu hiểu rằng sự tàn độc của chính con người ở cả quá khứ lẫn hiện tại mới là thứ ám ảnh nhất. Nó đen tối, chân thật, tàn nhẫn và là một “thực tại kinh hoàng” đúng nghĩa.
Điểm nhấn âm nhạc từ người đã tạo nên giai điệu cho phim kinh dị “Us”
Sẽ là một thiếu sót nếu như không nói đến âm nhạc xuất sắc của bộ phim. Xuyên suốt “Antebellum”, âm nhạc đóng vai trò quan trọng dẫn dắt diễn biến câu chuyện, mở đầu bộ phim đầy ấn tượng và kết thúc nó trong sự bất ngờ đan xen nghi hoặc. Phụ trách phần nhạc nền này là hai nghệ sĩ Nate "Rocket" Wonder và Roman GianArthur từng tham gia làm nhạc cho “Us”, “Moonlight” và “Rio 2”.
Cả hai chia sẻ: “Chúng tôi đã kết hợp cả violin, viola và cello để định hình giai điệu của bản nhạc chủ đạo, và rồi thực hiện thu âm với một dàn nhạc giao hưởng quả là một trải nghiệm khó quên”.
Theo VnMedia
https://vnmedia.vn/giai-tri-so/202009/co-gi-dac-biet-o-sieu-pham-kinh-di-antebellum-c874725/